Hướng dẫn viết CV xin việc nhanh gọn lẹ cho sinh viên

26/03/2024

Cách viết CV xin việc đơn giản mà hiệu quả, thu hút là điều đang được rất nhiều người lao động trẻ quan tâm. Dựa trên chủ đề này, Cổng việc làm khoa CNTT - Trường Đại học Giao thông Vận tải gửi đến một vài hướng dẫn viết CV xin việc đơn giản cho sinh viên trong bài viết dưới đây. Mời các bạn cùng theo dõi.

I. Cách viết CV xin việc cho sinh viên đơn giản và đầy đủ nhất

Trước khi muốn viết hay, bạn cần đảm bảo CV xin việc của mình chứa đầy đủ thông tin cần thiết, cụ thể là những phần sau:

1. Phần thông tin cơ bản và liên hệ trong CV đơn giản cho sinh viên

Đây có thể nói là phần cơ bản nhất mà CV thuộc ngành nghề nào cũng phải có. Những ý bắt buộc trong phần này là họ tên, vị trí công việc và cách thức liên hệ. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu của nhà tuyển dụng mà bạn có thể ghi thêm ngày sinh, nơi ở hoặc đính kèm link tài khoản xã hội (Facebook, Linkedin,...) nếu cần thiết. Ví dụ:

cv-xin-viec-don-gian-cho-sinh-vien-1

2. Phần mục tiêu nghề nghiệp của CV xin việc đơn giản cho sinh viên

Đối với sinh viên, đây là phần để tự PR bản thân cũng như "show" cho nhà tuyển dụng thấy định hướng phát triển trong công việc của mình. Để hình dung rõ hơn thì bạn có thể tham khảo mẫu sau:

cv-xin-viec-don-gian-cho-sinh-vien-2

VD: Tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin từ trường Đại học Giao thông Vận tải, đạt nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học về trí tuệ nhân tạo, tôi mong muốn trở thành một kỹ sư phần mềm tại công ty X-Alpha để được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp. Đồng thời, học hỏi thêm nhiều kỹ năng chuyên môn từ những người đi trước và cống hiến công sức của mình vào sự phát triển chung của tập thể.

Nếu bạn đã có kinh nghiệm làm việc rồi, hãy nêu ngắn gọn thành tích đã có và mục tiêu sắp tới đối với công việc. Còn nếu bạn chưa từng đi làm, hãy thể hiện những điểm mạnh của bản thân cũng như bày tỏ thái độ cầu tiến, ham học hỏi. Lưu ý là tất cả đều cần liên quan tới vị trí đang ứng tuyển nhé.

3. Phần trình độ học vấn trong CV xin việc đơn giản cho sinh viên

Đây là phần để ứng viên thể hiện nền tảng kiến thức của mình. Bạn chỉ cần nêu đơn giản tên trường, tên khoa, thời gian đào tạo và một số thành tích nổi bật đã đạt được trong quá trình học. Nếu là sinh viên mới ra trường và có điểm số xuất sắc thì bạn nên thêm phần xếp hạng tốt nghiệp và điểm GPA vào để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Ví dụ:

cv-xin-viec-don-gian-cho-sinh-vien-3

4. Phần kinh nghiệm làm việc trong CV ứng tuyển đơn giản cho sinh viên

Để hình dung rõ hơn về phần này, bạn hãy xem qua mẫu dưới đây:

cv-xin-viec-don-gian-cho-sinh-vien-4

Đối với sinh viên, nhà tuyển dụng sẽ không đánh giá phần kinh nghiệm làm việc trong CV quá khắt khe như những ứng viên đã có kinh nghiệm. Vậy nên bạn chỉ cần nêu thật ngắn gọn thông tin về những vị trí đã từng làm qua, ưu tiên kể về những điều đã học được, thành tích đã đạt (dùng số liệu thì càng tốt) và những điều bạn có thể áp dụng vào công việc trong tương lai.

5. Phần kỹ năng chuyên ngành khi tạo CV xin việc dành cho sinh viên

Tùy vào từng ngành nghề sẽ có những yêu cầu về kỹ năng chuyên môn khác nhau. Ví dụ như:

- Ngành kinh tế - tài chính yêu cầu kiến thức và kinh nghiệm kế toán thực tiễn, kỹ năng tổng hợp và phân tích số liệu, kỹ năng định lượng, kỹ năng lập báo cáo tài chính, kỹ năng tính toán,...

- Ngành marketing yêu cầu kỹ năng định hướng chiến lược, sự nhạy bén với thị trường, kỹ năng phân tích dữ liệu, kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng, khả năng đàm phán,...

- Ngành công nghệ thông tin yêu cầu các kỹ năng về phân tích và kỹ thuật, sự thành thạo các loại ngôn ngữ lập trình, khả năng phát hiện và giải quyết các vấn đề liên quan tới máy móc, kỹ năng phát triển ứng dụng,...

Bên cạnh đó, ứng viên cũng cần đảm bảo các kỹ năng mềm cần có như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, tư duy phản biện, khả năng lắng nghe và phản hồi,...

6. Một số phần thông tin bổ sung khi làm CV xin việc cho sinh viên

Ngoài những thông tin kể trên, bạn có thể thêm một số ý để tăng "màu sắc" cá nhân như ngoại ngữ, chứng chỉ, sở thích trong CV. Hãy ghi chúng thật ngắn gọn, thể hiện dưới dạng kí hiệu, biểu đồ cũng được nhưng tránh thiết kế quá màu mè, lòe loẹt nhé.

II. Những lưu ý để viết được CV xin việc đơn giản và hiệu quả cho sinh viên

Bên cạnh việc đảm bảo đầy đủ thông tin, để CV xin việc vừa đơn giản vừa hiệu quả thì sinh viên cũng cần lưu ý những yếu tố sau:

1. Về mặt hình thức với CV dành cho sinh viên

- Đảm bảo dung lượng CV không quá 2 trang.

- Thiết kế CV theo hướng tối giản, tránh sử dụng quá 3 màu trở lên.

- Trình bày CV logic, phân chia bố cục hợp lí, không để tình trạng quá dày chữ hoặc quá nhiều khoảng trắng.

- Đảm bảo CV không mắc lỗi chính tả, lỗi đánh máy hoặc có quá nhiều kí hiệu "lạ" không cần thiết.

- Nếu gửi CV online thì nên để định dạng PDF để tránh những rủi ro không đáng có như lỗi font, nhảy dòng,...

2. Về mặt nội dung khi làm CV cho sinh viên

- Thông tin đưa vào CV cần chọn lọc kỹ càng, ngắn gọn, cô đọng và đi đúng vào trọng tâm.

- Không đưa vào những thông tin không liên quan tới vị trí công việc đang ứng tuyển.

- Số điện thoại, email phải thường xuyên được sử dụng. Tên email cần thể hiện được sự chuyên nghiệp, nên để theo cấu trúc [tên đầy đủ + vị trí + @gmail.com].

- Cần đảm bảo tính xác thực của thông tin, không đưa thông tin sai sự thật.

Trên đây là một vài những gợi ý, định hướng viết CV xin việc đơn giản dành cho sinh viên. Hi vọng bài viết đã đem lại nhiều thông tin hữu ích cho các bạn. Nếu vẫn còn đang phân vân chưa biết nên thiết kế CV như nào, hãy truy cập JobOKO để tham khảo hàng trăm mẫu CV nổi bật và thu hút nhất hiện nay nhé.

Bài viết khác

Xem thêm